Điều trị tủy răng



Tủy răng là gì?

Răng của bạn phía ngoài là men, bên trong là ngà, trong cùng là vùng mô mềm gọi là tủy răng, ở đó có động mạch, tĩnh mạch, thần kinh và các mao mạch bạch huyết của răng. Ống tủy chân răng là những nhánh rất nhỏ, mỏng phân nhánh từ buồng tủy phía trên xuống đến chóp chân răng. Răng có thể có từ 1 đến 4 ống tủy.

Tại sao chúng ta cảm thấy đau ?

Khi tủy răng bị viêm bởi một lỗ sâu lớn hoặc do vết gãy, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tủy làm tủy viêm. Tủy răng bị viêm sẽ làm gia tăng hoạt động của các tế bào và lượng máu lưu thông làm tăng áp lực bên trong tủy và gây đau. Người ta thường cảm thấy đau khi cắn, nhai trên đó hoặc khi uống và tiếp xúc với thức ăn nóng hay lạnh.
Tại sao chúng ta cần điều trị tủy chân răng ?

Bởi răng bị viêm tủy không tự lành lại được. Nếu không điều trị, nhiễm trùng sẽ lan rộng, vùng xương quanh răng đó sẽ bị thoái hóa và răng có thể bị rụng. Cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn đến nổi bệnh nhân phải đến gặp nha sĩ khẩn cấp. Lúc đó, sự lựa chọn duy nhất thường là nhổ răng, nhưng nhổ răng có thể dẫn đến sự nghiêng lệch của những răng kế cận và sai khớp cắn. Mặc dù nhổ răng dễ hơn, nhưng khoảng trống mất răng sau khi nhổ cần đến một implant (cắm ghép răng) hoặc phục hình cầu răng và các biện pháp này đắt tiền hơn điều trị tủy chân răng nhiều. Nếu bạn còn có thể chọn lựa, tốt nhất là hãy giữ lại răng nguyên thủy của bạn.

Điều trị tủy chân răng là gì ?

Lấy tủy chân răng là phương pháp được thực hiện để cứu lấy răng bị chết hoặc bị hư hại trong ống chân răng bằng cách làm sạch kỹ lưỡng mô tủy bị bệnh và tạo hình lại ống tủy. Ống tủy sẽ được trám kín với Guttapercha, một vật liệu giống cao su, để ngăn ngừa sự tái viêm nhiễm của răng. Tiếp theo răng được trám kín vĩnh viễn hoặc bọc chụp.

Các bước điều trị tủy:

Những gì liên quan đến việc điều trị tủy chân răng ?

Việc điều trị thường bao gồm 1 đến 3 buổi hẹn. Trước tiên bạn sẽ được gây tê tại chỗ để làm tê khu vực có răng đau, sau đó nha sĩ sẽ khoan một lổ từ thân răng xuống buồng tủy và đi dọc theo ống tủy bị viêm lấy sạch mô tủy bị bệnh và tạo hình lại, kế đến bông tẩm thuốc được đặt vào trong răng để diệt vi khuẩn. Tùy theo tình trạng răng, mà thân răng được hàn tạm thời để chống lại sự tái nhiễm bẩn hoặc răng được mở trống để dẫn lưu hoặc nha sĩ sẽ đi ngay vào giai đoạn trám bít ống tủy. Nếu nha sĩ hàn tạm, thì lần hẹn kế, miếng trám tạm được lấy đi, buồng tủy và ống tủy được trám bít với Guttapercha hoặc những vật liệu khác để ngăn sự tái viêm nhiễm. Nếu răng còn yếu, một chốt kim loại có thể được đặt vào ống tủy để tăng cường nâng đỡ răng, một khi được trám thì ống tủy được hàn kín vĩnh viễn. Cuối cùng nha sĩ thường bọc răng đó lại bằng chụp sứ để đảm bảo răng sẽ không bị vỡ và cải thiện hình dáng bên ngoài của răng.

Mài chụp bọc lại răng đã điều trị tủy:

Nguy cơ và biến chứng là gì ?

Hơn 95% trường hợp điều trị tủy là thành công. Tuy nhiên, đôi khi vài trường hợp đòi hỏi phải điều trị lại do có những ống tủy phụ hoặc dụng cụ trám ống tủy bị gãy trong ống tủy, tuy nhiên cả hai điều này cũng hiếm xảy ra.

Sau điều trị tủy điều gì sẽ xảy ra ?

Thông thường ngay sau khi được điều trị chiếc răng đã hết đau. Ở một số trường hợp sự sưng nề mô tự nhiên có thể làm bạn khó chịu vài ngày, điều này có thể kiểm soát được bằng các thuốc giảm đau bán ở nhà thuốc. Từ thời điểm này trở đi nên chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, tránh nhai thức ăn cứng trên răng đã lấy tủy và hãy đến gặp nha sĩ đều đặn để khám răng định kỳ 6 tháng / 1 lần.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *