Phòng ngừa sâu răng sữa ở trẻ



Khi con mình bước vào tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, các bà mẹ sợ con bị suy dinh dưỡng nên có thói quen cho con bú thêm một bình sữa nữa trước khi đi ngủ vào buổi tối, bé ăn xong là đi ngủ luôn. Việc làm này không ngờ lại liên quan đến một bệnh răng miệng ở trẻ em đó là sâu răng do bú bình.

Bệnh sâu răng sữa ở trẻ em thường thấy ở khắp nơi, tỷ lệ cao ở các nước đang phát triển, trẻ em có điều kiện sống kém, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp khi đến tuổi nhà trẻ mẫu giáo dễ bị sâu răng, bệnh thường xảy ra ở răng cửa hàm trên, bị sâu một lúc 2 hay 4 cái, ít khi xảy ra ở răng cửa hàm dưới, ở các răng sữa khác có thể bị hay không bị.

Nguyên nhân gây sâu răng

Sâu răng là sự hủy hoại dần dần các mô cấu tạo răng, nguyên nhân do vi khuẩn có sẵn trong miệng tác động lên các loại thức ăn như đường, bột… đọng lại trên mặt răng, kẽ răng tạo thành axit, axit này làm tan rã men răng, tạo thành lỗ sâu. Vì vậy, không phải chỉ những bé bú bình mới bị sâu răng, mà ngay cả những bé uống sữa bằng cốc, hay uống nước ngọt, ngậm kẹo, ăn bánh… xong mà không súc miệng bằng nước sạch cũng bị sâu răng.

Một nguyên nhân nữa là do thiểu sản men răng (nghĩa là men răng có nhiều lỗ hổng khiếm khuyết canxi). Răng sữa được hình thành từ khi bé còn là thai nhi trong bụng mẹ. Vì thế khi mang thai, người mẹ ăn uống thiếu canxi thì sau này men răng sữa của bé sẽ không chắc chắn.

Ngoài ra còn do một loại liên cầu khuẩn đã được chứng minh là gây sâu răng ở động vật thực nghiệm còn non với chế độ ăn nhiều đường. Mảng bám răng và cao răng là nơi cư trú của vi khuẩn. Lớp mảng này nếu để lâu, không được chải rửa sạch sẽ tác dụng với chất đường, bột tạo thành axit, quá 24 giờ sẽ phối hợp với nước bọt trở nên cứng và tạo thành vôi răng, dần dần phá hủy lợi răng.

Tác hại của sâu răng sữa

Một số người cho là sâu răng sữa không quan trọng vì đằng nào nó cũng rụng đi để răng vĩnh viễn mọc ra, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng, bởi vì nếu răng sữa mất sớm quá thì răng vĩnh viễn có thể mọc lệch lạc, răng lòi xỉ sẽ rất xấu, gây khểnh… làm cho thức ăn dễ bị nhét vào các kẽ răng, khó lấy ra và khi bị sâu khó phát hiện để điều trị sớm. Ngoài ra răng sữa còn có tác dụng nhai nát thức ăn, giúp tiêu hóa tốt, về mặt giao tiếp, răng sữa giữ vai trò thẩm mỹ cho gương mặt, trẻ có hàm răng đẹp sẽ tự tin hơn so với hàm răng sâu, sún răng.

Cách phòng tránh sâu răng sữa của bé

Thực tế cho thấy vấn đề phòng bệnh răng miệng là rất quan trọng, phải biết phòng ngay từ khi còn trẻ, để khi lớp trẻ trưởng thành sẽ có một bộ răng hoàn chỉnh lành mạnh. Để giữ gìn hàm răng sữa cho bé thì vai trò của người mẹ là vô cùng quan trọng. Khi mang thai, bà mẹ cần biết cách sử dụng những thức ăn có lợi cho cấu tạo men răng của trẻ sau này, men răng có cứng chắc mới chống được sâu răng, người mẹ phải ăn uống đủ chất canxi (có trong thức ăn biển, cua, cá, sò, ốc, tôm…) và mỗi ngày nên uống thêm một cốc sữa. Ngoài ra khi mang thai, người mẹ cần tránh suy nghĩ lo âu sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành của bào thai (là một phần nguyên nhân của sứt môi, khe hở hàm ếch ở trẻ).

Giữ vệ sinh răng miệng cho bé, lúc bé còn nhỏ quá chưa biết chải răng nhưng đã mọc răng sữa, người mẹ phải lau răng miệng cho bé sau khi bú, sau mỗi bữa ăn, bằng cách dùng gạc sạch, vô trùng quấn vào đầu ngón tay út, nhúng vào nước sạch lau kỹ hai hàm răng cho bé theo động tác giống như chải răng. Nếu đi xa không có điều kiện lau được thì sau khi bé bú phải cho bé uống nước súc miệng.

Phải chú ý chăm sóc cho trẻ ngay từ chiếc răng đầu tiên. Chú ý chế độ ăn uống của mẹ khi cho con bú. Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để chống còi xương, suy dinh dưỡng, dẫn đến xương hàm kém phát triển, hay biến dạng, răng mọc lệch lạc, nằm nghiêng một bên lâu ngày gây lép méo đầu, lép mặt. Không cho trẻ bú tay hoặc mút núm vú thường xuyên vì có thể gây vẩu hàm trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *